Tập trung giải quyết 'điểm nóng' HIV tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

27/07/2023 17:07

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 36% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tập trung tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tỉ lệ ca mắc mới đang trẻ hóa. Nhóm tuổi trẻ từ 16-29 tăng mạnh, lây qua đường tình dục là đường lây chính trong nhóm trẻ 19-30 tuổi.

Đáng lưu ý, hình thái lây nhiễm HIV đã chuyển dịch từ tiêm chích ma túy, mẹ lây truyền sang con, sang chiếm 70-90% lây nhiễm qua đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới (MSM). Số ca nhiễm trẻ hóa, có nhiều em học sinh, sinh viên phát hiện bệnh khi còn quá trẻ.

Điển hình tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu… Các cán bộ y tế và các đồng đẳng viên đang nỗ lực đẩy mạnh nhiều hoạt động để khống chế dịch HIV/AIDS, giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Tập trung giải quyết 'điểm nóng' HIV tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ

Đến cuối năm 2022, ước tính số người nhiễm HIV trên toàn quốc là 242.000, trong đó số phát hiện mới năm 2022 là 11.037. Đã có 112.572 người nhiễm HIV tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TPHCM.

Từ năm 2020 trở lại đây, số người nhiễm HIV/AIDS gia tăng, trong đó nam giới chiếm 84,4%. Lây truyền HIV qua đường máu đang giảm, nhưng lây truyền qua đường tình dục tăng, đặc biệt trong nhóm quan hệ đồng giới tăng liên tục từ năm 2011 đến nay (năm 2020 chiếm 47%). Tỉ lệ quan hệ đồng giới nhiễm HIV rất cao, trung bình 13/100 người nhiễm, khu vực miền Nam cao hơn với 17/100 người nhiễm.

BS. Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo, tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn, rất đáng lo ngại. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết. Đây là điều đáng tiếc, khi hiện nay có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường.

Trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt. Tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính. MSM được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Mặc dù trong nhiều năm qua tình hình dịch HIV/AIDS khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được khống chế, nhưng trong 3 năm gần đây tình hình nhiễm HIV trong nhóm MSM đang gia tăng nhanh và số ca phát hiện ở khu vực này chiếm hơn 36% số ca phát hiện mới của cả nước.

Lây nhiễm HIV trong nhóm MSM cao hơn so với tiêm chích ma túy

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhóm nam quan hệ đồng giới chỉ bắt đầu được ghi nhận từ năm 2011 với khoảng 4%, bằng 1/3 so với tiêm chích ma túy (13,4%) đã tăng mạnh lên 12,1% vào năm 2022, cao hơn so với tiêm chích ma túy và mẹ lây truyền sang con.

Theo giám sát mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ 2017 đến tháng 3/2022, ca nhiễm HIV là nam giới tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh như: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Tại Vũng Tàu, giai đoạn 2016-2021, tỉ lệ lây truyền qua đường máu từ 28,3% giảm xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%.

Ông Vũ Văn Nên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vũng Tàu cho biết, nhóm MSM có xu hướng lây nhiễm tăng mạnh từ 2,25% (năm 2011) lên 16,5% (năm 2018). Bốn địa bàn có tập trung nhiều người nhiễm là: Vũng Tàu, Phú Mỹ, Bà Rịa, Long Điền.

Là địa bàn giáp ranh TPHCM, các địa bàn Đức Hòa, Bến lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An của Long An tập trung số ca nhiễm HIV cao nhất toàn tỉnh.

Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 15.000 người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20 đến 29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Nếu như năm 2014, tỉ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2% thì con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc CDC Long An cho biết, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tỉ lệ lây HIV qua tình dục rất cao. Năm 2021, 95% là ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục. Trong 100 người nhiễm HIV, có 92 trường hợp là nam giới.

Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, đa phần quan hệ tình dục khác giới. Nhưng từ 2019 trở lại đây, tỉ lệ nhiễm HIV tập trung vào nhóm MSM. Tỉ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy có 3 ca thì 2 ca nhiễm HIV.

Phòng, chống HIV còn nhiều thách thức do lây nhiễm gia tăng trong "quần thể ẩn"

Là "điểm nóng" về dịch HIV vì là địa bàn có hơn 30 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với khoảng 1,3 triệu lao động, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khống chế dịch HIV tại khu công nghiệp và trong giới trẻ.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Bình Dương còn có 4 chợ tình hoạt động 24/24 gồm chợ tình Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dĩ An, Dĩ An-Đồng Nai, trở thành điểm hẹn hò lớn của cộng đồng MSM. Có thời điểm app hẹn hò BlueD của cộng đồng MSM ghi nhận 5.000-6.000 trường hợp hẹn hò tại chợ tình. Qua thống kê cho thấy số người nhiễm HIV do lây qua đường tình dục chiếm 81,7%, đặc biệt năm 2022 con số này tăng đỉnh điểm lên tới 97,9%.

Trong số ca nhiễm HIV mới, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16-25 tuổi.

BS. Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương cho biết: Bình Dương là tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân trong các khu công nghiệp. Tỉ lệ sinh viên là nam quan hệ đồng giới được phát hiện nhiễm HIV, đưa vào điều trị phơi nhiễm cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, con số này cũng tăng cao trong nhóm MSM, trở thành nguồn lây mạnh nhất HIV với tỉ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỉ lệ vẫn cao là 11,3%. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.

Thống kê số ca nhiễm HIV trên toàn quốc nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cho thấy, tỉ lệ ca mắc mới đang trẻ hóa. Nhóm tuổi trẻ từ 16-29 tăng mạnh, lây qua đường tình dục là đường lây chính trong nhóm trẻ 19-30 tuổi từ 2017 đến nay. Nếu như những năm 2012-2013, tỉ lệ nhiễm HIV ở người dưới 30 tuổi chỉ dưới 5% thì đến năm 2022, con số này tăng cao vượt ngưỡng 50%.

Tại Kiên Giang, trong số ca nhiễm HIV mới, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16-25 tuổi. Tại Kiên Giang, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ MSM đang có xu hướng tăng ở lứa tuổi từ 16-25 tuổi còn nhóm tuổi lớn trên 35 có xu hướng giảm.

Là một trong hai nhóm hoạt động vì cộng đồng (CBO) tại Kiên Giang, Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO – Giám đốc Công ty TNHH DNXH The Sun chia sẻ, chỉ trong 6 tháng năm 2023, trong gần 20 ca dương tính nhóm đưa vào điều trị tất cả đều dưới 25 tuổi, trong đó có 1-2 ca dưới 16 tuổi.

Anh Tùng cho biết, độ tuổi 15-16 nhiễm HIV khá cao trong số các bạn mà nhóm tiếp cận, chiếm 90%. Đa số các bạn lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Một số bạn có hiểu biết nhưng làm lơ vấn đề đó, một số bạn không có sử dụng biện pháp an toàn. Có những bạn MSM, chỉ khi kết thúc thời gian làm bạn tình, mới tiết lộ cho đối phương biết mình nhiễm HIV.

Theo BS Vương Thế Linh, việc giám sát, quản lý nhóm MSM vô cùng khó khăn vì đây là quần thể ẩn. Số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Bình Dương trong những năm gần đây chủ yếu do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, biến động dân cư lớn. Chiếm 10% trong tổng số ca nhiễm mới phát hiện gần đây, rơi vào lứa tuổi chỉ từ 15-19 tuổi.

Cần đối xử công bằng, bình đẳng và bảo đảm hài hòa quyền lợi cho cộng đồng

Trước những khó khăn, thách thức đang phải đối diện, ngành y tế các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tìm ca nhiễm HIV trong nhóm MSM, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các trường học, tại nơi làm việc và tại các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu và dự án "Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC)", tài trợ bởi Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) trong hỗ trợ kỹ thuật, tìm ca trong cộng đồng, hỗ trợ kinh phí trong nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng y tế công cộng, việc phát hiện kịp thời đối tượng nguy cơ cao, đưa vào điều trị PrEP và ARV đã giúp cho các tỉnh có được số liệu phát hiện ca nhiễm HIV mới tăng cao.

Tỉnh Vũng Tàu, thông qua dự án EPIC đã cung cấp trên 60% số ca nhiễm HIV mới. Dù chỉ triển khai ở 3 huyện Rạch Giá, Phú Quốc, Châu Thành, nhưng dự án EPIC đã đóng góp 75% số ca HIV được phát hiện tại Kiên Giang trong năm qua.

Tại Long An, Dự án EPIC giúp cho Long An vượt qua những khó khăn về nguồn ngân sách địa phương, đồng thời hỗ trợ cho Long An nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai những giải pháp can thiệp phù hợp đạt được kết quả bước đầu về mục tiêu 95-95-95.

Để đẩy lùi dịch bệnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hải Sơn cho rằng, cần tuyên truyền phổ biến nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS tại các khu công nghiệp và trong nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Ông cảnh báo, nếu có quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với LGBT, sẽ tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV lên cao trong cộng đồng này, từ đó lây tiếp cho các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Do đó, cần đối xử công bằng, bình đẳng và bảo đảm hài hòa quyền lợi cho cộng đồng này, giúp cho họ sống và cống hiến.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo dịch HIV có nguy cơ quay lại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Về chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế những năm qua đã huy động nguồn lực quốc tế và cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ tập huấn cho các tỉnh, nhưng về cơ bản, việc khống chế dịch HIV phụ thuộc chính vào nguồn nhân lực và tài chính của địa phương. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt để hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

Top