Vì mục tiêu “Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”

18/02/2023 07:56

(Chinhphu.vn) - Đây là mục tiêu của Dự án USAID - Dự án Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao do Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp với tổ chức FHI 360 thực hiện để hướng tới một Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Vì mục tiêu “Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” - Ảnh 1.

Khám sàng lọc bệnh lao cho người dân. Ảnh: Thùy Chi

Hơn 100.000 bệnh nhận lao được phát hiện và điều trị hàng năm

Theo số liệu thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, hằng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Và bệnh lao vẫn bị coi "sát thủ thầm lặng" và là gánh nặng rất lớn khi có tỉ lệ tử vong cao, thậm chí con số này cao gấp đôi tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông.

Tổng kết Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao năm 2022 cho thấy, từ sau quý I năm 2022 đến nay, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số ca mắc lao mới được phát hiện trong nước đã gia tăng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện được 76.000 ca mắc, gần bằng với con số của cả năm 2021.

Tại các cơ sở y tế, đã có sự gia tăng về số lượng người bệnh tới khám, phát hiện bệnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là do giai đoạn dịch COVID-19 kéo dài, nhiều người bệnh đã không được phát hiện sớm, không được can thiệp y tế kịp thời nên số ca nặng cũng tăng lên.

Bệnh nhân lao không được phát hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng thì đây là nguồn lây nhanh chóng và làm tăng số bệnh nhân lao mới mắc cũng như tăng số lượng và tỉ lệ tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.

Báo cáo của WHO năm 2020 cho biết, Việt Nam có hơn 172.000 trường hợp mắc bệnh và 10.400 người đã tử vong vì lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Trong năm 2022, Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao đã phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia xây dựng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật quốc gia nhằm đảm bảo tiếp cận xu hướng chẩn đoán và điều trị mới, nâng cao năng lực mạng lưới phòng chống lao và hệ thống chẩn đoán.

Dự án đã hỗ trợ 8 tỉnh ưu tiên triển khai các hoạt động cải thiện dịch vụ phát hiện lao, lao tiềm ẩn áp dụng chiến lược 2X và đưa vào điều trị. Với sự hỗ trợ này, từ tháng 8/2020 đến 31/12/2022, 8.832 người mắc lao và 6.774 người nhiễm lao tiềm ẩn đã được phát hiện.

Ngoài ra, Dự án đã phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia, Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế xây dựng các văn bản chính sách và hỗ trợ các tỉnh ưu tiên triển khai khám chữa bệnh lao thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Đối với hoạt động hỗ trợ công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế, dự án đã hỗ trợ nâng cấp hệ thống VITIMES nhằm đáp ứng đầy đủ các chức năng quản lý bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn và hỗ trợ kết nối với một số hệ thống HIS trong bệnh viện.

Ưu tiên triển khai dịch vụ can thiệp và hỗ trợ kỹ thuật cho 63 tỉnh, thành

Trong năm 2023, Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng và ban hành các chính sách, và các hướng dẫn quốc gia.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ trực tiếp 11 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, Thái Bình, Nghệ An, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang và Sóc Trăng; ưu tiên triển khai dịch vụ can thiệp và hỗ trợ kỹ thuật cho 63 tỉnh của Chương trình Chống lao Quốc gia trong việc nâng cao năng lực triển khai chiến lược 2X.

Đặc biệt hỗ trợ chấm dứt bệnh lao áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị cho hơn 90% người được phát hiện và bảo đảm điều trị thành công ít nhất 90% bệnh nhân lao. Dự án có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, hiện tỉ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Để phát hiện ca mắc cần kết hợp cả 3 phương pháp phát hiện chủ động - y tế đến với người dân; phát hiện tích cực - tại các cơ sở y tế và cộng đồng; và phát hiện thường quy - người dân đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, khi người dân ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp gồm: Sụt cân nhanh, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở… Khi đó, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Thùy Chi

Top