Chủ động phát hiện ca bệnh lao trong cộng đồng

13/12/2022 13:05

(Chinhphu.vn) - Chủ động phát hiện bệnh lao là công tác quan trọng, giúp cho bệnh nhân sớm phát hiện tình trạng bệnh, sớm tiếp cận điều trị, hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác phòng, chống lao.

Chủ động phát hiện ca bệnh lao trong cộng đồng - Ảnh 1.

Khám sàng lọc bệnh lao cho người dân. Ảnh: Thùy Chi

Bệnh vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng

Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do đó số ca mắc lao mới được phát hiện giảm 23%, tương ứng với khoảng 23.000 người mắc lao trong cộng đồng nhưng không được phát hiện. Việc này dẫn đến một thực tế là nguồn bệnh vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng, có nhiều bệnh nhân không tiếp cận được với y tế, có người bệnh trở nặng, thậm chí là tử vong.

Chính vì vậy, với mục tiêu bù đắp lại số ca không được phát hiện của năm ngoái, trong năm 2022, toàn bộ chương trình chống lao tập trung vào tăng cường phát hiện các ca bệnh lao mới với kỳ vọng sẽ phát hiện được 100.000 ca mắc lao trong năm nay.

PGS,TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành phòng, chống lao cho biết, để tăng cường phát hiện lao chủ động, người dân cần chủ động tầm soát, phát hiện bệnh lao sớm để được tư vấn, tham gia điều trị đúng và đủ.

Hiện nay, tất cả cơ sở từ tuyến quận huyện trở lên đều có phòng khám lao. Tại đây bệnh nhân lao có thể nhận được tư vấn, phát hiện và điều trị giống như ở các bệnh viện ở trung ương. Hoặc có thể đến các tổ chống lao, phòng khám lao, phòng khám bệnh phổi, kể cả cơ sở y tế tư nhân… để nhận được tư vấn, phát hiện sớm lao.

Khi người dân đến khám bệnh, nếu có triệu chứng hô hấp, nhân viên y tế cần chủ động phát hiện bệnh lao bằng chụp X-quang, làm X-pert để khẳng định.

Phục vụ cho công tác phòng, chống lao, bảo đảm hiệu quả, các cơ sở y tế cũng cần khắc phục sự thiếu hụt nhân lực, thu nhập của nhân viên y tế để tăng cường phát hiện chủ động. Các đơn vị phòng chống lao có thể đưa xe X-quang tới tận các cộng đồng, những nhóm nguy cơ cao để khám phát hiện ca mắc.

Với trăn trở làm thế nào để bất cứ người mắc bệnh lao nào cũng được khám bệnh, phát hiện và điều trị trong khi chỉ có 70% người bệnh lao có thẻ BHYT, Chương trình Chống lao quốc gia vẫn tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao để không để người bệnh lao nào bị bỏ lại phía sau.

Kết quả là 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được số bệnh nhân mắc lao là 48.056 ca bệnh, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021,cho thấy tiềm năng đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi.

Cần tăng cường phát hiện chủ động

Để phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng, tại nhiều địa phương trên toàn quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động tầm soát, tổ chức khám bệnh lao cho người dân. Tuy nhiên, bản thân bệnh nhân, người dân cần phải chủ động tham gia khám khi phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lao.

Tại Hà Nội, từ tháng 12/2022 – 1/2023, Bệnh viện Phổi Hà Nội phối hợp Trung tâm y tế TX.Sơn Tây và H.Phúc Thọ tổ chức khám, phát hiện chủ động ca bệnh lao cho người dân trên địa bàn.

Hoạt động nhằm phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc cho người tiếp xúc với bệnh nhân lao và nhóm nguy cơ cao; theo dõi các trường hợp có tổn thương bất thường trên phim X-quang phổi để tiếp tục cho xét nghiệm Xpert chẩn đoán lao, lao tiềm ẩn và lao kháng thuốc.

Được khám sàng lọc là những người có nguy cơ như: người tiếp xúc với bệnh nhân lao, người có ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người già, trẻ em từ 0 – 14 tuổi sống cùng nhà với bệnh nhân lao phổi, người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV, lao đa kháng thuốc… Số người dự kiến khám khoảng 4.200 người tại 14 xã thuộc TX.Sơn Tây và H.Phúc Thọ.

Trước đó, trong tháng 11, Trung tâm y tế H.Ba Vì phối hợp Bệnh viện Phổi Hà Nội khám sàng lọc các bệnh về phổi tại cộng đồng trên địa bàn huyện. Qua đó, chương trình đã khám sàng lọc lao, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen phế quản cho 2.783 người; đã khám sàng lọc hen phế quản cho 3.137 học sinh từ 12 – 15 tuổi. Qua đó, cấp phát thuốc bổ, thuốc hỗ trợ cho 100% người đến khám.

Tại các trường học, chương trình đã phát hiện 92 trường hợp mắc COPD, 9 trường hợp mắc hen, 363 trường hợp theo dõi hen và COPD. Các trường hợp nghi mắc lao sẽ được xét nghiệm chẩn đoán. Các ca bệnh xác định sẽ được lập hồ sơ bệnh án, điều trị quản lý theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia. Các trường hợp được chẩn đoán mắc COPD và hen phế quản được cấp 1 tháng thuốc miễn phí, sau đó tiếp tục khám, điều trị theo tuyến bảo hiểm y tế.

Để hỗ trợ cho người dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa được khám sàng lọc bệnh lao, từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) hỗ trợ 3 huyện của tỉnh Gia Lai (Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông ) sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng.

Ngoài ra, SCDI cũng đã hỗ trợ bệnh nhân nghèo mua thẻ BHYT để họ yên tâm điều trị, nâng cao ý thức trong nhận biết và phòng chống bệnh lao; ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.

Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nói chung và chấm dứt bệnh lao ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn nói riêng nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Thùy Chi

Top