Mối quan hệ giữa bệnh viêm phổi do COVID-19 và bệnh lao

02/02/2023 13:29

(Chinhphu.vn) - Nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân bị mắc viêm phổi do COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh lao phổi cao hơn gấp 7 lần so với những người khác.

Mối quan hệ giữa bệnh viêm phổi do COVID-19 và bệnh lao - Ảnh 1.

Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Ảnh minh họa

Ngày 1/2, các chuyên gia nghiên cứu bệnh lao tại trường Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa bệnh viêm phổi do COVID-19 và bệnh lao.

TS. Ponlagrit Kumwichar và Giáo sư Virasakdi Chongsuvivatwong thuộc Bộ môn Dịch tễ học, Khoa Y học, Đại học Prince of Songkla, đã phân tích dữ liệu từ các bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng viêm phổi. Họ phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh lao ở những bệnh nhân này cao gấp 7 lần so với người bình thường.

Kết quả nghiên cứu dựa trên những dữ liệu bệnh nhân mắc COVID-19 trong năm 2021 từ Văn phòng An ninh y tế quốc gia, trong bối cảnh đang diễn ra sự bùng phát của các biến thể Alpha và Delta ở 7 tỉnh miền Nam Thái Lan.

Ngoài ra, họ cũng tổng hợp dữ liệu về lượng thuốc điều trị bệnh lao từ đầu tháng 1/2022 trở đi. Dữ liệu cho thấy phần lớn bệnh nhân lao cũng từng được điều trị nội trú vì COVID-19.

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm bệnh lao cao. 30% số người mắc bệnh lao không có triệu chứng và không lây truyền cho người khác. Đây được gọi là "bệnh lao tiềm ẩn".

Theo các chuyên gia, có thể phản ứng miễn dịch với virus SAR-CoV-2 đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của những người mắc bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp bị viêm phổi, sau đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tích dữ liệu về bệnh nhân mắc COVID-19 và bệnh lao, đồng thời so sánh số ca mắc bệnh lao mới trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 có tiền sử viêm phổi với những người chưa nhiễm virus SAR-CoV-2.

Kết quả cho thấy rằng nguy cơ mắc bệnh lao ở những người có tiền sử viêm phổi và mắc COVID-19 cao gấp 7 lần so với những người chưa nhiễm virus SAR-CoV-2.

Những phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy rằng những người bị viêm phổi do mắc COVID-19 cũng nên được coi là nhóm có nguy cơ cao. Họ được khuyến cáo đi khám để sàng lọc bệnh lao và hệ thống y tế công nên xem xét có những ưu tiên cho nhóm dễ bị tổn thương này.

GS Chongsuvivatwong cho biết bệnh lao vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng tại Thái Lan, mặc dù căn bệnh này nhìn chung không gây tử vong. Phần lớn bệnh nhân lao là người nhiễm HIV và/hoặc mắc bệnh đái tháo đường.

Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.

Kể từ khi được công bố là "đại dịch toàn cầu" bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm lý người dân và các dịch vụ, ngành Y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này.

Tại Việt Nam, bệnh lao vẫn là gánh nặng, bởi Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Chính vì vậy, mỗi người dân cần chủ động thăm khám và phát hiện kịp thời. Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Thùy Chi

}
Top