Cảnh báo thể bệnh lao thường gặp ở phụ nữ mang thai

29/12/2022 21:54

(Chinhphu.vn) - Phụ nữ mang thai mắc bệnh lao thường gặp các thể lao màng não, lao kê, nhưng chủ yếu vẫn là lao màng não.

Cảnh báo thể bệnh lao thường gặp ở phụ nữ mang thai - Ảnh 1.

Bệnh lao ở phụ nữ mang thai còn do hệ miễn dịch suy giảm, chế độ ăn uống không đủ chất, bị mất sức và cơ thể mệt mỏi… Ảnh minh họa

Lao là một trong 3 bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới cùng HIV/AIDS, sốt rét. Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra tại phổi. Bệnh có thể lây lan từ người có vi khuẩn lao sang người khác thông qua không khí khi người mắc bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ…

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Trao đổi với báo chí, BSCKI Nguyễn Hữu Trí, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, một năm khoa có thể tiếp nhận khoảng 40-50 trường hợp phụ nữ mang thai mắc lao đến khám và điều trị. Lao ở phụ nữ mang thai khá nặng thường gặp ở thể lao màng não, lao kê. Nhưng chủ yếu tỷ lệ lao màng não là chính.

Theo bác sĩ Trí, nguyên nhân mắc lao ở phụ nữ mang thai là nhiễm vi khuẩn lao sau sinh hoặc sang chấn suy giảm miễn dịch là cơ hội để vi khuẩn lao bùng lên. Phụ nữ mang thai cơ thể có sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesteron.

Ngoài ra, sự xuất hiện của nội tiết tố rau thai khiến cho các cơ quan vùng chậu – hông, hệ sinh dục, da, các cơ phải tăng cường chuyển hóa dẫn đến các cơ quan phổ, tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn, tạo cơ hội cho vi khuẩn lao dễ dàng thâm nhập và hoạt động.

Ngoài nguyên nhân trên, bệnh lao ở phụ nữ mang thai còn do hệ miễn dịch suy giảm, chế độ ăn uống không đủ chất, bị mất sức và cơ thể mệt mỏi…

Về triệu chứng của bệnh lao cũng gồm các biểu hiện như ho kéo dài, sốt dai dẳng, cảm giác mệt mỏi và bất thường, có thể có ho ra máu…có bệnh nhân thấy ho kéo dài nghĩ là nguyên nhân khác nên tự uống thuốc khi sốt. Khi không thấy bệnh chuyển biến mà lại nặng hơn đi khám mới biết mình đã bị nhiễm lao.

Quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị theo đúng phác đồ hướng dẫn thì phụ nữ mang thai sẽ khỏi hoàn toàn. Ngược lại nếu để muộn hoặc thể nặng thì điều trị khó khăn, nhiều bệnh nhân phải đình chỉ thai sản để tập trung điều trị.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lao rất nguy hiểm vì có thể xảy ra những biến chứng như: sinh non, nhẹ cân. Trẻ nhỏ bị lao bẩm sinh sẽ sốt, nguy cơ cao suy hô hấp và gan to. Cuối thai kỳ bà mẹ có thể tử vong và nhiễm độc thai nghén…

Chính vì những mối nguy hiểm rình rập cho cả mẹ và thai nhi như vậy nên khi phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ được khuyến khích không mang thai và sinh con trong suốt quá trình điều trị bệnh. Ở phụ nữ mang thai có phác đồ điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên bệnh nhi sinh ra sau này cũng phải được tầm soát lao.

Cùng với đó, mặc dù tỉ lệ mắc lao ở phụ nữ mang thai không cao so với tổng số ca mắc lao chung nhưng đây là vấn đề quan trọng đáng lưu tâm, bởi vì điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai có công thức riêng, phức tạp hơn vì vừa phải đảm chữa bệnh cho bà mẹ lẫn sự an toàn của thai nhi.

Chia sẻ về các biện pháp phòng chống lao, bác sĩ Trí cho biết, phụ nữ mang thai vẫn cần giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh để bảo đảm có sức đề kháng tốt, phát hiện sớm triệu chứng nghi lao.

Nếu thấy ho kéo dài, dai dẳng, sốt nhẹ về chiều, cơ thể mệt mỏi không lý được nguyên nhân, có tiếp xúc với người mắc lao thì hãy luôn nghĩ đến nguy cơ có thể mắc lao và cần đi tầm soát.

Xét nghiệm bệnh lao ở phụ nữ mang thai được thực hiện thông qua 2 phương pháp đó là:

Xét nghiệm tiêm dưới da: Bác sĩ sẽ tiêm lượng nhỏ tuberculin của vi khuẩn lao vào cánh tay của bệnh nhân. Nếu xuất hiện một vết sưng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 2 ngày chứng tỏ bệnh nhân đã tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Xét nghiệm máu IGRAs: sử dụng mẫu máu 1 lần duy nhất, sau 24 giờ, nếu kết quả dương tính thì người đó đã nhiễm vi khuẩn lao còn âm tính nghĩa là không nhiễm lao.

Trên thực tế nhiều phụ nữ mang thai chưa dành nhiều sự quan tâm đến bệnh lao, mặt khác ở tuyến dưới cũng chưa có sự quan tâm đến căn bệnh này. Do đó thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh lao. Vì thế, theo bác sĩ Trí ở các địa phương các bác sĩ nên có sự trao đổi đặt câu hỏi với các đồng nghiệp tuyến trên để định hướng các ca nghi ngờ qua đó giúp sàng lọc sớm cho bệnh nhân.

Điều trị bệnh lao ở phụ nữ mang thai

Nếu nghi ngờ mắc bệnh lao trong thai kỳ, bà bầu cần đi khám lao phổi để được chẩn đoán đúng bệnh. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác tình trạng nhiễm bệnh.

Phụ nữ mang thai khi mắc bệnh lao cần được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị ban đầu bằng thuốc INH, rifampicin và ethambutol liên tục trong 2 tháng.

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu đạm, vitamin, khoáng chất…; Xây dựng chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Sau khi sinh, nếu người mẹ vẫn còn phải điều trị bệnh lao sẽ phải cách ly với em bé để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho con, không cho em bé bú sữa mẹ khi mẹ bị lao phổi.

Con của mẹ bị lao khi mang thai cần được theo dõi để xem có bị lao bẩm sinh không và tiêm vaccine BCG sớm phòng lao sơ nhiễm.

Thùy Chi

Top