Đà Nẵng: Ưu tiên đối tượng cấp PrEP để đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030

07/03/2023 16:13

(Chinhphu.vn) - Đối tượng được thành phố Đà Nẵng ưu tiên để cung cấp dịch vụ thuốc kháng HIV (PrEP) gồm thanh niên, học sinh, sinh viên, nhân viên y tế, công nhân ở các khu công nghiệp…

Các đối tượng ưu tiên sẽ được áp dụng và triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, dịch vụ PrEP từ xa. Kết nối, chuyển gửi và tư vấn các trường hợp xét nghiệm HIV âm tính có nguy cơ cao được tiếp cận với dịch vụ PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV.

Việc ưu tiên nhằm đạt được mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn TP. Đà Nẵng vào 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đà Nẵng: Ưu tiên đối tượng cấp PrEP để đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 - Ảnh 1.

Đối tượng được thành phố ưu tiên để cung cấp PrEP gồm thanh niên, học sinh, sinh viên, nhân viên y tế, công nhân ở các khu công nghiệp… Ảnh: Thùy Chi

Trong năm 2023, Đà Nẵng đặt mục tiêu giảm số bệnh nhân nhiễm mới HIV so với năm 2021; 85% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV; 85% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV, tức thuốc kháng HIV; 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, địa phương này còn đặt mục tiêu 26% người có nguy cơ cao, nam quan hệ tình dục đồng giới được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.

Để đạt các mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ duy trì số lượng, chất lượng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm và nhóm sau cai.

Bên cạnh đó triển khai các hoạt động tiếp cận, duy trì tiếp cận, truyền thông, tư vấn nhóm nhằm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người có nguy cơ cao tại cộng đồng.

Thực hiện giám sát, phối hợp và hỗ trợ nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Đồng thời, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng, bao gồm hệ thống công lập và tư nhân.

Hiện nay, Đà Nẵng đã triển khai rộng rãi hoạt động xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV sớm thông qua hệ thống online, cho các nhóm nguy cơ cao: nghiện chích ma tuý, đồng tính nam, phụ nữ bán dâm… trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Ngoài ra, các hoạt động giám sát chuyên môn các tuyến từ thành phố đến xã, phường và các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng, tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV bảo đảm việc kết nối, phối hợp, chuyển gửi thành công các trường hợp dương tính HIV được điều trị ARV sớm trong vòng 7 ngày.

Việc giám sát dịch tễ hơn 100% ca HIV dương tính tại các tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm xác minh, rà soát, người nhiễm HIV đang có mặt thực tế tại địa phương, số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại Đà Nẵng đang được chăm sóc và điều trị tại các địa phương khác. Từ đó, hỗ trợ định kỳ công tác quản lý người nhiễm HIV theo danh sách các quận, huyện cung cấp.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ nay đến cuối năm thành phố sẽ tập trung các hoạt động: Can thiệp, dự phòng và giám sát dịch; Hoạt động điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; tạo môi trường thuận lợi triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố…

Thùy Chi

Top