Nhìn lại một năm thực hiện cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy 2021

08/06/2023 09:07

(Chinhphu.vn) - Theo bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, mặc dù công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 còn nhiều khó khăn. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này.

Nhìn lại một năm thực hiện cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy 2021 - Ảnh 1.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Các cơ sở công lập và tư nhân tích cực tham gia vào hoạt động cai nghiện

Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập với công suất thực tế mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu cai nghiện. Từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó: tiếp nhận mới 31.010 người; chuyển từ năm 2021 sang 31.812 người; số tái hòa nhập cộng đồng 33.886 người; tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 7.023 người; tổ chức dạy văn hóa cho 1.221 người.

Tính đến hết tháng 2/2023, các cơ sở cai nghiện ma túy quản lý 29.367 người, trong đó: 23.185 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc (45 người dưới 18 tuổi); 3.603 người cai nghiện tự nguyện (93 người dưới 18 tuổi); 2.579 người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người. Năm 2022, các cơ sở này đã tổ chức cai nghiện cho 2.896 người, trong đó tiếp nhận mới 2.465 người, chuyển từ năm 2021 sang 431 người, tái hòa nhập cộng đồng 2.418 người; các cơ sở này hiện đang quản lý 478 người.

Cũng trong năm 2022, 20/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý 22 cơ sở điều trị (tại 18 địa phương) tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.218 người.

Thực hiện Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú với 20.478 người đã hoàn thành chương trình cai nghiện và được hỗ trợ, quản lý sau cai tại cộng đồng...

Đa số cơ sở cai nghiện ma túy không có nhân sự đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện

Theo bà Đàm Thị Minh Thu, tuy đã thực hiện quyết liệt và đạt được một số kết quả trong công tác cai nghiện nhưng thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, hiện nay tại nhiều địa phương, người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện; không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện. Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận cảm hóa giáo dục người nghiện gặp khó khăn vì họ thường không có mặt tại nơi cư trú.

Trong khi đó, phần lớn các cơ sở thuộc ngành y tế ở cấp xã, cấp huyện đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (tiếp nhận, phân loại; cắt cơn giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần...) nhưng không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện vì các cơ sở này thuộc ngành dọc quản lý và không được giao chức năng cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Việc tổ chức triển khai tại địa phương cũng còn lúng túng do pháp luật hiện hành có nhiều nội dung quy định mới về "đơn vị cung cấp dịch vụ" theo quy trình cai nghiện; đội ngũ cán bộ theo tiêu chí của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về tư vấn, cai nghiện ma túy.

Thứ hai, về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập thì tại điểm b khoản 4 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định, cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm "thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy". Tuy nhiên, một số cơ sở không tuyển được bác sĩ và phải cử y sĩ đi đào tạo trở thành bác sĩ.

Trong khi đó, muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thì phải có giấy xác nhận quá trình "thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mặc dù họ đã làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy nhiều năm.

Ngoài ra, điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với Phòng khám (Phòng y tế) tại cơ sở cai nghiện ma túy phải có nhân sự: "Là bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa tâm thần hoặc bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp y học cổ truyền…" (điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP).

Vì vậy, đa số cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay không có nhân sự đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.

Về chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hầu hết được xây dựng từ lâu hoặc tiếp nhận từ hệ thống khác nên thiết kế không phù hợp với việc tổ chức cai nghiện. Mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hạng mục đã xuống cấp rất nghiêm trọng; hơn 50% cơ sở không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện.

Đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy thiếu về số lượng, chất lượng chưa được chuẩn hóa theo quy định; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về quy trình cai nghiện và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tương xứng với áp lực, yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được nhân sự làm việc lâu dài, đặc biệt là nhân sự y, bác sĩ.

Đến nay, có rất ít các tỉnh (8/63 tỉnh) quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; số kinh phí được bố trí ở mức thấp/rất thấp.

Thứ ba, về cai nghiện ma túy tự nguyện và tại cơ sở cai nghiện tư nhân: Lĩnh vực này hiện còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất, nhân sự; chính sách miễn, giảm thuế, tín dụng, tiếp cận đất đai; chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở chưa được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Hoạt động không có lợi nhuận; người nghiện đa phần thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không tự chi trả được các chi phí dịch vụ cai nghiện, do vậy các tổ chức, cá nhân không quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Cần bố trí nguồn lực, có chế độ ưu đãi cho người làm công tác cai nghiện

Cục Phòng chống tệ nạn dự báo, thời gian tới, tình hình người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, đặc biệt là đối tượng ngày càng trẻ hóa, sử dụng ma túy tổng hợp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội nếu không có biện pháp quản lý, cai nghiện tốt.

Trong khi đó, theo quy định Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, tất cả người nghiện có hồ sơ quản lý đều phải tham gia cai nghiện tự nguyện/điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, khoảng 60.000 người nghiện ở ngoài cộng đồng (dự báo sẽ tham gia cai nghiện tự nguyện) và khoảng 80.000 người cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian tới, sẽ là áp lực lớn đối với công suất của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay.

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.

Với phạm vi, trách nhiệm được giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề xuất một số nội dung.

Cụ thể, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đề xuất chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương: Tăng cường đội ngũ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp đối với đội ngũ làm việc trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, đặc biệt là đối với 3 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy (gồm có: Hậu Giang, Đắc Nông, Kon Tum).

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ đề xuất chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương đánh giá, thống kê số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn; dự báo nhu cầu cai nghiện ma túy để xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức, triển khai công tác cai nghiện ma túy và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy; tổ chức triển khai đồng bộ các quy định tại Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến cấp cơ sở về công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Song song là hớng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt là nâng cao năng lực cán bộ, đảm bảo trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tại gia đình, cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Giang Oanh

Top