Thúc đẩy chiến dịch K=K để kết thúc đại dịch AIDS

15/05/2023 17:08

(Chinhphu.vn) - Ngày nay, chiến dịch K=K là một phong trào do cộng đồng lãnh đạo và phát triển mạnh mẽ gồm những người ủng hộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS, các nhà hoạt động, nhà nghiên cứu…đoàn kết để biến K=K thành hiện thực, giúp cho những người nhiễm HIV cải thiện cuộc sống và tăng tốc mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS.

Thúc đẩy chiến dịch K=K để kết thúc đại dịch AIDS - Ảnh 1.

PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi

Để hiểu rõ hơn về những lợi ích mà chiến dịch K=K mang lại, và những giải pháp cho chiến dịch trong tương lai, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV

Việt Nam được đánh giá là có tỉ lệ ức chế  HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Xin bà cho biết vì sao Việt Nam đạt được thành quả này?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (<1000 copy/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (<200 copy/ml máu) đạt 94%. Chúng tôi được Tổ chức Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thông báo là nước đạt tỉ lệ rất cao trên Thế giới, cao nhất trong các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ.

Để đạt được kết quả này theo tôi có một số lý do. Thứ nhất, do chúng ta làm tốt công tác truyền thông tư vấn tốt nên bệnh nhân hiểu lợi ích điều trị sớm; Lợi ích của duy trì và tuân thủ điều trị.

Thứ hai, chúng ta liên tục cập nhật các phác điều trị theo khuyến cáo của các tổ chức thế giới nên bệnh nhân được hưởng các loại thuốc và phác đồ tốt nhất theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới.

Thứ ba, chúng ta có mạng lưới điều trị rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành và phần lớn các quận huyện cũng hơn gần 500 điểm cấp phát thuốc tại xã phường nên bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị dễ dàng.

Thứ tư, chúng ta có nhiều mô hình và sáng kiến được triển khai như: Điều trị 2.0; Mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... cũng là tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị.

K=K là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Xin bà cho biết cụ thể hơn, K=K là gì, dựa trên bằng chứng khoa học nào?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Không phát hiện = Không lây truyền (thường gọi tắt là K=K) nghĩa là một người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không nhiễm HIV.

Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1ml máu. Ít nhất đã có 4 nghiên cứu khác nhau trên hàng chục nghìn người không nhiễm HIV, với tổng số 128.000 lần quan hệ tình dục với người nhiễm HIV đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới 200 bản sao/1ml máu (không phát hiện), cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV (không lây truyền).

Những người không nhiễm HIV trong các nghiên cứu trên gồm những người có quan hệ tình dục đồng giới, khác giới và không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị toàn cầu về Phòng, chống về HIV/AIDS năm 2017 tại Pháp và năm 2018 tại Hà Lan. Đến nay đã có hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện này bao gồm các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S CDC)...

Chiến dịch K=K lan tỏa nhiều ý nghĩa

Xin bà cho biết, việc triển khai chiến dịch K=K mang lại những hiệu quả, lợi ích gì cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Ngay từ năm 2017, khi thông điệp này được phổ biến tại Hội nghị Quốc tế về AIDS tại Hà Lan, Việt Nam cũng đã ủng hộ và tổ chức tuyên truyền cho thông điệp này.

Tháng 9/2019 Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã chính thức có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai Chiến dịch dịch K=K cho tất cả 63 tỉnh, thành phố và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chính thức phát động chiến dịch quốc gia về K=K với hàng loạt hoạt động bao gồm truyền thông, tập huấn cho cán bộ và tổ chức sự kiện…

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khởi động Chiến dịch cấp quốc gia vào ngày 22/10/2019.

Thực hiện Hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS các địa phương cũng đã tổ chức khởi động Chiến dịch này tại các tinh, thành phố. Mở đầu là sự kiện tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sau đó lan ra các tỉnh, thành phố.

Trung ương và các tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và phóng viên báo chí về K=K; Các thông điệp K=K cũng được lồng ghép vào các lớp tập huấn khác cho người cung cấp dịch vụ cũng như các tổ chức cộng đồng.

Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cũng tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông xã hội và sự kiện cộng đồng.

Tổ chức chuỗi sự kiện nhân Tháng hành động quốc gia Phòng, chống AIDS hàng năm đều lồng ghép thông điệp K=K; tình trạng HIV trung tính và điều trị là dự phòng. Chiến dịch này được lan tỏa mang lại nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng.

Đối với người chưa nhiễm HIV, chiến dịch giúp họ chủ động đi xét nghiệm HIV sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV sớm giúp đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.

Chiến dịch cũng giúp cộng đồng hiểu rõ hơn, không kỳ thị với những người nhiễm HIV vì dù họ HIV nhưng nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, không lo sợ lây nhiễm HIV từ bạn tình nhiễm HIV khi họ đã được điều trị ARV và có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Đối với người nhiễm HIV, chiến dịch K=K giúp họ tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện; tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc; không tự kỳ thị, vì người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.

Người nhiễm HIV có thêm lợi ịch là sẽ chủ động xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tải lượng HIV của mình có ở mức "dưới ngưỡng phát hiện" và cũng là để biết kết quả điều trị HIV. Đồng thời, tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài.

Đối với các cán bộ y tế, tham gia thực hiện chiến dịch K=K sẽ ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV; giúp họ biết được hiệu quả điều trị ARV của người bệnh; tư vấn cho người nhiễm HIV và bạn tình của họ về tầm quan trọng của điều trị ARV và tuân thủ điều trị.

Đối với cộng đồng, giúp cộng đồng nâng cao kiến thức, hiểu rõ hơn về lợi ích điều trị của ARV; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đồng thời, truyền tải thông điệp về lợi ích của điều trị ARV và tuân thủ điều trị trong cộng đồng và cho nhóm đối tượng đích.

Theo bà, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để tiếp tục duy trì chiến dịch K=K ở Việt Nam?

PGS, TS Phan Thị Thu Hương: Theo tôi, để duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS, duy trì chiến dịch K=K, Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện truyền thông về K=K và tình trạng trung tính HIV, điều trị là dự phòng.

Cải tiến công tác xét nghiện HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang web, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Áp dụng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị; để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Chi

Top